Thị trường hàng hóa nói chung vẫn luôn là xương sống của mọi hoạt động kinh tế và thương mại. Ví dụ như các nhà đầu tư chứng khoán, cũng đều cần theo dõi giá cả của thị trường hàng hóa thế giới, bởi điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu & lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành đó. Vì thế, việc càng có thêm nhiều mặt hàng được niêm yết tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, sẽ càng giúp doanh nghiệp & nhà đầu tư trong nước tiếp cận gần hơn với các thị trường hàng hóa thế giới.
Theo Ông Đỗ Hà Nam (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex), các doanh nghiệp như Intimex đánh giá rất cao sự đóng góp của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam vào hoạt động giao dịch hàng hóa nói chung, và hoạt động bảo hiểm rủi ro của các doanh nghiệp xuất khẩu như chúng tôi nói riêng. Giá cà phê xuất khẩu biến động rất mạnh theo giá Robusta London, nên việc phải bảo hiểm rủi ro là điều bắt buộc. Ngoài ra, các mặt hàng như tiêu, điều, chúng tôi cũng rất muốn có công cụ bảo hiểm rủi ro các mặt hàng này. Hoặc như cà phê, bên cạnh hợp đồng tương lai, việc có thêm hợp đồng spread cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho các doanh nghiệp.
Về phía các chính sách, Bộ Công Thương cũng đã cởi mở hơn để giao dịch hàng hóa có thể liên thông với thế giới. Nhưng việc liên thông này vốn chẳng hề đơn giản, bởi các Sở Giao dịch vừa phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, lại vừa phải đáp ứng các quy định của các Sở Giao dịch trên thế giới. Các quy định này đã tồn tại hàng trăm năm và nếu không hiểu và tuân thủ, cánh cửa hội nhập với thế giới sẽ bé lại.



